Hoa Lan trăm sắc với ngàn hương

Sáng hôm nay, cũng như thường lệ, sau khi mở laptop, cô xuống pha cho mình một ly cà phê rồi ra ban công đón nắng ban mai. í, cô phát hiện ra chậu hoa Lan của chị bé nay đã hé nở. Cô đưa tay khẽ nâng nhánh lan lên, ngắm nhìn tỏ vẻ thích thú.
Trước giờ cô nghe đến lan khá nhiều. Nhưng chưa bao giờ chạm tay vào cánh hoa, hay hít hà ngửi ngửi mùi thơm của nó, nay mới có cơ hội. Tất nhiên, với cái tính thích chụp chụp nháy nháy, cô không quên ghi lại khoảnh khắc đó bằng chiếc Sam khuyết chữ Sung, mang hiệu chai-nờ.



Lan – chữ vay mượn của Trung Hoa - sao người ta lại gọi hoa này là Lan hay phong lan nhở? Nhưng khi đọc lên, Lan nghe như có âm thanh nhẹ nhàng và vang xa, có thể coi là một tiếng tượng thanh.

Nhắc đến Lan, lại nhớ đến Thanh Lan - Bạch Lan - Trúc Lan - Mộng Lan…..là những cái tên mà các nữ nghệ sĩ hay chọn để đặt cho mình. Nhờ những tình cảm của các nghệ sĩ mang tên Lan, mà loài hoa này có thêm một chút nghệ, một chút lãng mạn và một chút định mệnh. Lan như mang một phần thân phận của kiếp người. Ngày trước, khi xem phim, để ý thấy giới kỹ nữ cũng thích đặt tên với hoa Lan.

Được ví như “nữ hoàng” của các loài hoa, hoa lan mang trên mình vẻ đẹp rực rỡ, kiêu sa khiến người xem cứ mải miết ngắm nhìn.

Đong đưa sắc đẹp nghiêng thành.
Môi hồng má phấn không đành rời xa.
Hoa chi diễm lệ ngọc ngà.
Ngắm hoài không chán thật là dễ thương.
           (Trương Thái Hòa)

Các bậc cha mẹ thấy hoa lan đẹp nên thường chọn tên Lan cho con gái mình, mong muốn sau này con gái cũng xinh đẹp, quyến rũ như một đóa lan.




Hoa lan và màu sắc

Hoa Lan trăm sắc với ngàn hương
Trắng, đỏ, vàng, xanh, tím, nâu hường

Gói gọn trong 2 câu thơ, hoa lan được vẽ nên với gần đủ sắc màu của thiên nhiên.
Có loài Lan đỏ như Masdevallia ignea, Ren. coccinea… Lan Hồng như Laelia furfuracea, Masdevallia coccinea. Hay hoa Lan vàng như Encyclia citrina, Bulbophyllum. Hoa Lan Trắng có Cal. rubens var. Alba, Hồ Điệp. Lan màu đen, nâu hay màu xanh, tím đều có.

Mỗi loại hoa, mỗi màu sắc, mỗi vẻ đẹp đều mang trên mình ý nghĩa riêng.

Hoa lan có thể tuyền một màu hoặc hai ba màu khác nhau hoặc pha trộn nhiều màu trên một hoa nhất là đối với các cây pha giống. Những vết chấm phá, loang lổ đó như nét đặc trưng riêng của chính loài hoa này.

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, đã có những đóa phong lan mọc lên dưới chân Thánh Giá khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự.  Máu của Người nhỏ xuống những cánh hoa và chúng mãi mãi mang trên mình những dấu vết từ đó. Người Pháp gọi Phong lan là biểu tượng cho những cảm xúc thầm lặng, những dấu hiệu đầu tiên về một tình yêu nồng cháy.


Ngoài các vết đốm, phong lan còn được đặc tả với những cụm phấn hoa giống như sáp, những hạt nhỏ và từng cặp hoa mọc đối xứng. Mỗi đóa hoa thường có ba cánh, trong đó có một cánh hình lưỡi với rất nhiều dáng vẻ khác biệt.
Quả thực, loài phong lan này luôn luôn làm người ta ngạc nhiên trước sự phong phú về các hình dáng khác lạ và màu sắc rực rỡ của chúng. Đây là loài hoa độc đáo, rất được ngưỡng mộ, và đôi khi có giá rất cao.

Hoa Lan và hương thơm

Để đánh giá một cây lan, bên cạnh màu sắc, hình dáng, thì hương thơm là một yếu tố không thể bỏ qua. Lan có màu mà không thơm, thì giá trị của lan giảm gần phân nửa - "hữu sắc vô hương" là thế.

Hương của lan thay đổi theo từng nồng độ khác nhau. Có mùi thơm dịu ngọt như mật ong, có mùi thơm như chanh. Có mùi thơm hắc làm cay lỗ mũi hay có mùi thơm như hoa lài làm sảng khoái tâm hồn.

Để thưởng thức được mùi thơm của lan, cần cả 2 yếu tố: mức độ nhạy cảm của khứu giác và độ nồng của hoa tỏa ra. Bởi, khi ngửi cùng 1 nhánh, có người cho là có mùi thơm có người cho là không có mùi thơm.

Thật sự không ít thì nhiều, lan vẫn có sẵn mùi thơm. Có thể do để hoa khá xa nên không ngửi thấy mùi chứ không phải không có.


Gọi là mùi thơm chung chung vậy thôi, không phải lúc nào lan cũng thơm và không phải loài lan nào cũng thơm.
Có lúc ngửi thấy mùi hương nhiều có lúc ít hoặc hoa không thơm trong một khoảng thời gian nào đó trong ngày. Riêng “Dạ lý hương”  lại chỉ thơm vào ban đêm.

Hoa thơm để làm gì?

Thi nhân tự cho hương thơm như cái “duyên” bên cạnh cái “đẹp” để làm tăng sức quyến rũ của loài hoa.

Còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng, hoa lan tỏa hương thơm để lôi kéo ong bướm đến hút mật, lấy phấn, bởi trên 70% các loài lan đều không có phấn và mật.
Những chú ong thiếu kinh nghiệm vì nghĩ trong đó sẽ có mật mà sẵn sàng chui vào bất kỳ bông hoa có màu sắc sặc sỡ nào. Phấn dính vào chân và cánh của ong sẽ được truyền từ hoa này sang hoa khác, giúp cho cái hoa hoàn tất tiến trình thụ phấn thành quả sau đó. Đây là vấn đề sinh tồn của hoa và hoa lan.

Hoa Lan và Thiền
Vua chơi lan, quan chơi trà”
Câu nói vẫn còn nguyên giá trị của người xưa, ý nhắc Bậc vua chúa mới dám chơi hoa lan, còn hàng quan lại thì chỉ chơi hoa trà thôi. Lan là loại hoa vương giả, đẹp đến mê hồn và không ở đâu có sự kết hợp hài hòa giữa cái đẹp trong tự nhiên và bản tính hướng thiện của người đời như giới chơi lan…

Thượng đế tạo ra Hoa hồng, hoa cúc rồi thược dược, cẩm chướng trà mi, hải đường v.v... giúp người thấy hoa được thư giãn, tâm hồn lắng dịu xuống mỗi lúc quá vất vả và chật vật với đời sống hàng ngày.


Còn loài hoa lan – thượng đế ban cho loài người để khi nhìn vào ai ai cũng phải say mê, ngắm nghía, ngoại trừ những người không biết thưởng thức hay còn đang mê man, mải miết trong chốn lợi danh.
Lan là những bông hoa tươi đẹp, hương thơm dịu dàng tỏa ra khắp bốn phương để lôi cuốn con người tìm đến.

Vườn lan sắc thắm, hương thơm ngát,
Đưa cả hồn tôi thoát bụi trần.
(Nguyễn Mạnh Vân)
Cánh cửa đi vào vườn lan mở rộng ra chào đón những người tao nhã yêu hoa, chuộng sắc và biết thưởng thức hương thơm là những thứ giúp cho người đời thoát ra khỏi vòng danh lợi tầm thường.

Thực vậy trước những bông lan từ màu sắc, hình dáng, hương thơm đều có một sức quyến rũ phi thuờng, khiến ai ai cũng phải chú tâm đến. Nhưng phần lớn những người chơi lan, thấy bông hoa đẹp, mua về nuôi trồng, ít khi chịu tìm hiểu những điều liên quan đến loài hoa vương giả này.

Vì vậy chơi lan đã có mấy người hiểu được cái Trầm mặc nhưng thanh cao, thượng lưu nhưng tao nhã và những sự huyền diệu của loài lan.

Ta ngồi giữa vườn lan tĩnh lặng
Chân xếp bằng thoải mái, nhẹ nhàng
Vai bất động, hai tay thả lỏng
Hơi thở sâu, đều nhịp vào ra

Hai mắt khép, mắt tâm hồn đang mở
Ta bắt đầu mường tượng những nụ hoa
Từ từ nở, khoe cánh màu rực rỡ
Tâm hồn ta tràn ngập muôn hoa...

Màu hoa đỏ, đam mê, quyến rũ
Màu hoa cam, ấm áp ráng chiều
Màu hoa vàng, khơi nguồn sáng tạo
Màu xanh lục, bát ngát xuân thì
Màu xanh lam, bình yên, thanh thản
Màu hoa chàm(*), huyền bí, ẩn sâu
Màu hoa tím, nhẹ nhàng, trong sáng
Màu trắng vẹn toàn, thuần khiết, thanh cao...

Hồn ta tan vào trong bất tận
Sắc màu hoa, hóa ánh sáng cầu vồng
Giải quang phổ, biểu trưng cho may mắn...
Ta trở về trong trạng thái bình an...
_Hàn Châu Tín_

Thiền là cách làm cho tâm hồn được thư thái, quên hết ưu phiền. Nuôi lan cũng là một phương pháp Thiền hay một cách hành thiền thực tế và có giá trị đóng góp cho xã hội chúng ta đang sống.

Dùng lan để thiền cũng chưa đủ, nếu có hoa lan đẹp cũng đừng thưởng thức một mình, đừng để những bông quý hóa tàn dần trong phòng khách hay ở vườn sau. Hãy mang bông hoa của mình cho bè bạn thưởng lãm vẻ đẹp của thượng đế đã ban cho chúng ta. Hãy chia sẻ những kinh nghiệm nuôi trồng với người khác tức là mở rộng tấm lòng, đừng bo bo giấu kín một mình.


Đừng sợ người ta có hoa đẹp hơn mình, đừng sợ người ta trồng lan tài giỏi hơn mình. Như vậy chúng ta sẽ có nhiều hoa lan đẹp để ngắm, để Thiền.
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Chocopie's Blog. Được tạo bởi Blogger.